Chú trọng chất lượng bữa ăn ca, bảo vệ sức khỏe người lao động
Kiều Minh
(Baohatinh.vn) - Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ở Hà Tĩnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn ca, xây dựng mô hình bếp ăn tập thể tự chọn đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công nhân.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bốc dỡ hàng hóa cảng biển, hơn 250 cán bộ, công nhân của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường công việc nặng nhọc; do đó, việc đảm bảo chất lượng các bữa ăn ca được lãnh đạo công ty và ban chấp hành (BCH) công đoàn hết sức coi trọng.
Công ty Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bốc dỡ hàng hóa cảng biển với hơn 250 công nhân.
Phó Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Trần Hoàn cho biết: “Quy định về bữa ăn ca cho người lao động đã được công đoàn đưa vào nội dung thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể từ nhiều năm nay. BCH công đoàn công ty đã chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để lựa chọn phương án tổ chức bếp ăn tập thể phù hợp; chất lượng các bữa ăn ca ngày càng được nâng cao theo hướng có lợi cho người lao động”.
Bếp ăn tập thể của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt phục vụ chu đáo nhu cầu ăn ca của công nhân.
Hiện nay, bếp ăn của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt đang phục vụ 2 bữa chính, mỗi bữa khoảng 120 suất ăn với mức chi phí 40 nghìn đồng/suất ăn (chưa bao gồm điện, nước...), được công ty hỗ trợ 100%. Mức chi phí này cao hơn bình quân của các doanh nghiệp đóng tại khu kinh tế Vũng Áng. Công đoàn chịu trách nhiệm các khâu liên quan như: lựa chọn nguồn cung thực phẩm an toàn; kiểm tra giấy phép của các đơn vị cung ứng; giám sát quá trình chế biến, chia khẩu phần ăn, vệ sinh khu vực bếp ăn...
Công nhân Công ty CP Sao Mai vào bữa ăn ca.
Bếp ăn tập thể của Công ty CP Sao Mai (cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) cũng đang phục vụ hàng chục suất ăn/ngày cho công nhân, lao động. Bởi vậy, việc thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của khâu chế biến, chia khẩu phần luôn được đặt lên hàng đầu, như: nhân viên nhà bếp phải đeo tạp dề, găng tay khi chế biến thức ăn; thức ăn sống và chín không để lẫn vào nhau; dụng cụ đựng thức ăn phải có nắp đậy; thìa, đũa được rửa sạch, sấy khô sau khi sử dụng; khuôn viên bếp ăn được bố trí hợp lý, gọn gàng...
“Để đảm bảo các quy định được thực hiện nghiêm túc, công đoàn thường xuyên phối hợp các bộ phận chuyên môn tiến hành giám sát, kiểm tra đột xuất, đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu về bữa ăn của người lao động để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là trong những giai đoạn dịch bệnh, thời tiết thay đổi thất thường. Bữa ăn của công nhân đảm bảo chất lượng, công nhân thấy ngon miệng thì mới đủ sức khỏe, tinh thần để làm việc”, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sao Mai - Hoàng Anh Sáng cho hay.
Có nhiều năm cùng đồng nghiệp ăn ca tại bếp ăn Công ty CP Sao Mai , chị Nguyễn Thị Hồng - công nhân tổ gấp góc chia sẻ: “Bữa ăn đảm bảo vệ sinh, chất lượng; thực đơn được thay đổi thường xuyên, chế biến hợp lý nên chúng tôi cảm giác như được ăn cơm nhà. Hơn nữa, đối với những công nhân xa nhà, ăn trưa tại công ty sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công nhân có thêm chút giờ nghỉ ngơi, thư giãn buổi trưa trước khi bước vào ca làm việc mới”.
Công đoàn các cấp tổ chức các buổi kiểm tra chất lượng bếp ăn tập thể của công nhân tại doanh nghiệp.
Theo số liệu từ LĐLĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, công đoàn các cấp đã tham gia đàm phán, thương lượng để 338 doanh nghiệp duy trì bếp ăn tập thể, bữa ăn ca cho người lao động, trong đó, có 295 doanh nghiệp nâng chất lượng bữa ăn ca trên 20.000 đồng/người/bữa ăn (mức khuyến khích của Tổng LĐLĐ Việt Nam là 18.000 đồng/người/bữa ở các địa phương vùng III theo quy định áp dụng mức lương tối thiểu vùng).
Thời gian gần đây, toàn tỉnh không ghi nhận ca ngộ độc thực phẩm nào từ bếp ăn tập thể của doanh nghiệp; không có tình trạng công nhân nghỉ việc xuất phát từ nguyên nhân bữa ăn ca.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã tự ý thức nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo đảm lợi ích cho người lao động, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các cấp công đoàn trong việc giám sát chất lượng bữa ăn tập thể.
Các cấp công đoàn đã đẩy mạnh việc giám sát, tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động phụ trách bếp ăn tập thể và cán bộ công đoàn cơ sở. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, chế độ dinh dưỡng cho công nhân lao động. Qua kiểm tra cho thấy, tại nhiều công ty, bữa ăn ca được đưa vào thỏa ước lao động tập thể; chất lượng bữa ăn ca ngày càng được chú trọng, tạo tâm lý yên tâm, phấn khởi cho công nhân, lao động để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Trọng
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh